Tác dụng của việc cho trẻ học ngoại ngữ sớm

Khi một người bạn thân của tôi mang bầu, hai vợ chồng họ dành rất nhiều thời gian trò chuyện với cái bào thai bé nhỏ. Cứ thế suốt mấy tháng trời, vợ nói tiếng Việt, chồng nói tiếng Hà Lan.
🌺 SINH RA LÀ NHỮNG THIÊN TÀI
Trẻ con có thể lắng nghe âm thanh cuộc sống qua tiếng nói của ba mẹ từ 3 tháng trước khi chào đời. Vì thế khi sinh ra, chúng không khóc cười giống nhau mà “oa oa” cũng theo vần điệu cả.
Bé người Pháp sẽ khóc nhỏ ở đoạn đầu rồi gào tướng lên ở khúc sau, còn bé người Đức thì ngược lại. Đơn giản bởi tiếng Pháp nhấn mạnh ở cuối còn tiếng Đức thì ở những âm đầu. Với các bé có ngôn ngữ nhiều thanh âm như tiếng Trung (4 thanh) hay tiếng Việt (6 thanh) thì các bé lại khóc kiểu lên bổng xuống trầm.
Tiếng nói của loài người có tất cả chừng 800 âm vị khác nhau (phoneme), nhưng mỗi ngôn ngữ chỉ dùng chừng 40 âm. Điều kỳ diệu là trẻ con bắt chước được tất cả 800 âm mà loài người cần đến. Nhưng sau chừng 1 năm, khả năng ấy dần mất đi và các bé chỉ có thể nói tốt những âm thường nghe nhất.
Nói cách khác, trẻ con có khả năng ngôn ngữ của một thiên tài với 800 bộ dụng cụ khác nhau. Nhưng vì môi trường sống chỉ yêu cầu 40 bộ dụng cụ thôi, nên số còn lại dần dần rơi rụng.
🌺 TRẺ EM HỌC NGOẠI NGỮ BẰNG CẢ HAI BÁN CẦU NÃO
Khi học ngoại ngữ, bán cầu não trái phụ trách kỹ năng “nói”, trong khi cả bộ não phụ trách kỹ năng “hiểu”. Người lớn tuy hiểu tốt, nhưng não trái không còn linh động, khó còn có thể nói giống người bản xứ. Dù sống lâu năm ở nước ngoài nhưng ta vẫn có những âm sắc mà nghe là biết sinh ra và lớn lên ở nơi khác.
Trẻ em học ngoại ngữ như một trải nghiệm sống. Cả hai bán cầu não đều tích cực hấp thụ ngôn ngữ “nói” và “hiểu”. Với giáo viên bản ngữ, bé sẽ phát âm rất chuẩn – điều mà người lớn hầu như không bao giờ còn có thể làm được.
🌺 HỌC NGOẠI NGỮ KHIẾN NÃO BÉ TO RA
Bộ não là một cơ bắp có tính dẻo (neuroplasticity), tập luyện nhiều thì sẽ “to khỏe” hơn. Học ngoại ngữ khiến chất xám và chất trắng trở nên dày dặn hơn.
Ta hãy tưởng tượng chất xám là những thành phố nhỏ, còn chất trắng là những con đường nối các thành phố với nhau. Người lớn khi học ngoại ngữ sẽ phải vất vả hơn trẻ em. Thay đổi một hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị đã có sẵn bao giờ cũng khó hơn làm tất cả từ đầu.
Ở trẻ em, những “thành phố” và “đường cao tốc” được thi công nhanh chóng và dễ dàng hơn bởi nguyên liệu đã sẵn có và không gian đã sẵn sàng. Những vùng não tăng volume lớn nhất là bán cầu não trái chuyên về ngôn ngữ, bó dây thần kinh có vai trò “đường cao tốc” kết nối hai bán cầu, vùng hồi hải mã liên quan đến trí nhớ, và vùng đai chịu trách nhiệm nhận biết + điều hành.
🌺 HỌC NGOẠI NGỮ SỚM TĂNG KHẢ NĂNG NHẬN THỨC
Học ngoại ngữ còn khiến não làm việc hiệu quả hơn. Việc bé luôn phải xử lý hai thứ tiếng khiến bộ não trở nên sắc bén trong việc phân biệt và lựa chọn thông tin quan trọng trong thời gian ngắn nhất. Khả năng đó vượt ra ngoài phạm vi ngôn ngữ, trợ giúp cả những vấn đề khác trong cuộc sống.
Chính vì thế, học ngôn ngữ giống như một phòng gym bổ trợ cho sức khỏe tổng thể của não bộ. Nó khiến ngôn ngữ khác hẳn với các loại hình kiến thức và chức năng khác như học nhạc, học vẽ hay học toán, học văn.
Nghiên cứu nổi tiếng nhất trong lĩnh vực này bắt đầu với 853 em nhỏ 11 tuổi. Hơn 60 năm sau, khi đã thành những ông bà cụ tuổi 70, họ lại được kiểm tra khả năng tư duy thêm một lần nữa. Sau khi loại bỏ các yếu tố có thể làm nhiễu kết quả như trình độ học thức, các nhà nghiên cứu kết luận rằng việc sử dụng thành thạo hai ngôn ngữ khiến khả năng tập trung, khả năng đọc hiểu và điểm số thông minh trở nên vượt trội.
🌺 CHO BÉ HỌC NGOẠI NGỮ THẾ NÀO LÀ TỐT NHẤT?
Thứ nhất là về độ tuổi. Bé cần học trong vòng 7-10 năm đầu tiên. Sau tuổi lên 10, khả năng hấp thụ ngôn ngữ là một con dốc đi xuống. Như vậy, mẫu giáo và tiểu học chính là những năm tháng bản lề, là thời điểm vàng để học ngoại ngữ và phát triển tư duy.
Thứ hai là về cách học. Trẻ con học nhanh hơn người lớn không chỉ bởi bộ não dễ tiếp thu mà còn vì các bé không sợ mắc lỗi, dễ hào hứng, học mà như chơi. Vì ngoại ngữ với trẻ em phải là một trải nghiệm sống tích hợp cả hai bán cầu não, các bé cần được học một cách vui vẻ, tự nguyện, đan xen tự nhiên vào cuộc sống hàng ngày (immersed learning).
Ví dụ, bé lập danh sách đi siêu thị bằng ngoại ngữ, viết nhật ký 3 câu mỗi ngày, học một bài hát mỗi tuần, dán từ mới lên các đồ vật, hay xem phim có phụ đề. Bé con thời hiện đại thích dùng điện thoại máy tính nên ba mẹ cần tận dụng để tập cho bé thói quen dùng các app và trang web vừa học vừa vui.
Cuối cùng, ba mẹ không nên quá lo lắng khi bé trộn các thứ tiếng với nhau. Đó là quá trình tự nhiên của những đứa trẻ đa ngôn ngữ, là biểu hiện của một bộ não linh hoạt, tìm từ thay thế nhanh nhất để thể hiện suy nghĩ một cách hiệu quả nhất. Quá trình chuyển tiếp này sẽ qua đi khi bé đủ lớn để biết rằng sẽ có người không hiểu hoặc thấy khó chịu.
Quay trở lại câu chuyện của bạn tôi và sự kiên trì của họ. Mỗi khi Cyndi nói tiếng Hà Lan với mẹ, bạn tôi sẽ giả vờ không nghe thấy, hoặc nhẹ nhàng nhắc “con nói tiếng Việt với mẹ đi nào”.
Giờ đây, bé Cyndi 5 tuổi nói được 5 thứ tiếng ở các mức độ thành thạo khác nhau: tiếng Việt luôn là tiếng của mẹ, tiếng Hà Lan chỉ dành cho bố, tiếng Anh ở trường, và tiếng Đức là những câu chuyện ba mẹ đọc trước khi đi ngủ. Bé biết thêm tiếng Ý vì có bạn hàng xóm hay chơi cùng nhau.
Loài người phát triển vượt xa các giống loài khác bởi chúng ta có tiếng nói. Chẳng phải ngẫu nhiên mà tạo hóa đã ban cho mỗi đứa nhỏ đầy đủ 800 bộ dụng cụ để bé sẵn sàng tiếp cận nguồn tri thức của bất kỳ nền văn minh nào.
Cho bé học ngoại ngữ từ sớm chính là tối ưu hóa bộ dụng cụ thiên phú ấy đến hết mức có thể, trước khi chúng một đi không bao giờ trở lại.
Theo PGS.TS Nguyễn Phương Mai, ĐH Ứng dụng Amsterdam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *