Câu chuyện đi hay ở

Bài viết kể lại cuộc trò chuyện của PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa, Giám đốc Nhịp Cầu Đức CTC với một bạn sinh viên năm nhất ĐH, đang theo học tiếng Đức intensiv để chuẩn bị du học ĐH Đức. Đã thẩm định xong APS, mấy hôm tới thi TestAs, đang hăng thế, bỗng dưng tối qua anh chàng tâm sự với bác ngót nghét 1h đồng hồ:
✍️ Con đang phân vân quá, không biết có nên du học Đại học ở Đức nữa ko hay học Đại học ở Việt Nam. Nhà con kinh tế ko khá lắm, sợ làm gánh nặng cho bố mẹ. Thêm nữa, học ở VN ra trường nhanh, kiếm công việc gì làm rồi kiếm việc làm thêm, có lẽ còn sớm mua được nhà hơn là sang Đức du học. Con phân vân quá, bác cho con lời khuyên với.
🗣 Ý bác về các vấn đề con hỏi là như thế này:
+ Về vấn đề tài chính nhà con thì bác không biết nên không comment gì được. Chuyện phải chứng minh tài chính là chuyện con và gia đình biết rõ từ trước chứ có phải họ mới công bố hôm qua đâu mà ngỡ ngàng. Làm gì cũng phải tính trước chứ, chứ cái kiểu tùy hứng thì có sang Đức cũng chết tiền. Ví dụ, 1 chuyến máy bay khứ hồi trong Châu u nếu book sớm chỉ vài chục Euro, nếu muộn chút có thể giá lên gấp 2, thậm chí gấp 3, đắt lè lưỡi luôn.
+ Nếu tính chuyện kiếm tiền thì có lẽ ở Việt Nam còn kiếm dễ hơn ở Đức, nếu con có học vấn. Nước Đức không cho ai giàu cả, làm càng nhiều tiền đánh thuế càng ác, bù lại con người ta được sống yên tĩnh, được ăn sạch, thở sạch, trong nhà có người ốm đau cả họ không phải xông lên bệnh viện để chăm, không phải người chui gầm giường, người nằm gầm cầu thang để thay nhau trông. Con cái đi học không phải lo 2h sáng trèo đạp đổ cổng trường để mua cái đơn xin học, không phải lo học thêm học bớt, đi thầy đi cô. Khi đi làm thì không phải nịnh bợ, lươn lẹo, dối trá ve vuốt bố con thằng nào, cứ việc mình lo mà làm cho tốt là xong.
+ Về chuyện nên đi hay không đi: vấn đề con cần quan tâm nhất và phải cân nhắc kĩ nhất là liệu con có đủ ý chí, quyết tâm và năng lực để lấy được tấm bằng của Đức không, vì học ĐH ở Đức cực khó, tỉ lệ sinh viên Việt Nam ra được trường vô cùng thấp. Dù sao cũng phải chấp nhận một thực tế là dòng người Việt ra đi ngày càng đông: người lắm tiền thì họ mua luôn quốc tịch hoặc thẻ xanh, hoặc dưới dạng đầu tư, mình không có tiền nhưng có trí tuệ tốt thì đi bằng con đường du học ĐH, các bạn năng lực yếu hơn chút thì du học nghề. Người người ra đi, nhà nhà ra đi, cực giàu cũng đi mà nghèo cũng tìm đường đi. Thực tế là thế.
+ Người Việt mình khổ thật, lúc nào cũng loay hoay tổ chức cuộc sống của mình sao cho giống những người xung quanh, bé đi học, lớn đi làm rồi cố kiếm tiền mua lấy cái nhà, con xe,… cho bằng anh bằng em, bằng bạn bằng bè, hiếm khi dám sống với cái hoài bão của tuổi trẻ. Sao con mới từng ấy tuổi đầu mà nghĩ ngay mục đích đời con là phải kiếm lấy cái nhà? Cuộc đời còn dài, hãy chia thành những chặng nhỏ với những mục tiêu ngắn hạn để phấn đấu dần dần, vừa học hỏi vừa phấn đấu để làm được, học được những gì hay ho, đẹp đẽ, xứng đáng với tuổi trẻ của mình. Cứ dần dần mà tiến rồi kiểu gì con cũng sẽ đạt được những điều con muốn, nhưng bác nghĩ nó không chỉ nên dừng ở những giá trị vật chất. Tuổi trẻ phải được xông pha, được trải nghiệm, được học hỏi càng nhiều càng tốt.
Bác không bao giờ nghĩ đi Tây sẽ sướng hơn, giàu hơn, tốt hơn ở Việt Nam, mà thậm chí ngược lại, vất vả hơn rất nhiều, nhưng bù lại mình sẽ nhìn ngó, học hỏi được nhiều thứ mới mẻ, khác với ở Việt Nam, nó làm giàu đời sống tinh thần, vốn sống thực tế, ở một góc độ khác.
Nếu con quyết định ở lại Việt Nam học Đại Học thì con cũng phải sống và học hết mình. Cứ chăm chỉ và quyết tâm thì ở đâu con cũng sẽ thành công.
𝐓𝐡𝐚̀𝐧𝐡 𝐜𝐨̂𝐧𝐠 𝐯𝐚̀ 𝐡𝐚̣𝐧𝐡 𝐩𝐡𝐮́𝐜 𝐥𝐚̀ 𝐦𝐨̣̂𝐭 𝐡𝐚̀𝐧𝐡 𝐭𝐫𝐢̀𝐧𝐡, 𝐤𝐡𝐨̂𝐧𝐠 𝐜𝐡𝐢̉ 𝐥𝐚̀ đ𝐢́𝐜𝐡 đ𝐞̂́𝐧.
𝐂𝐨𝐧 đ𝐮̛𝐨̛̀𝐧𝐠 𝐭𝐚 đ𝐢 𝐦𝐨̛́𝐢 𝐭𝐡𝐮̛̣𝐜 𝐬𝐮̛̣ 𝐥𝐚̀ đ𝐢́𝐜𝐡 đ𝐞̂́𝐧.
Có thể là hình ảnh về bầu trời và văn bản

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *