Nguyễn Thị Minh Phương, mẹ 2 con Nguyễn Lâm Minh Thục và Nguyễn Lâm Phương Hạnh

Những tưởng tôi có thể cầm bút là viết ngay được về “Trại quái vật”, nhưng kỳ thực thật không dễ chút nào. Tôi tự nhủ mình cần dành một khoảng lặng để ngẫm nghĩ và viết về nó. Bên tiếng đàn piano của con trẻ, tôi cảm thấy mình tìm được thứ để viết rồi.
CTC bắt đầu sự nghiệp của mình với mong ước làm nhịp cầu để nối trái tim đến trái tim, khối óc đến khối óc, nối tình yêu của thế hệ trẻ người Việt đến với nước Đức, với văn hóa Đức. Người phụ nữ đặc biệt của CTC ấy nói rằng “Mình muốn trả ơn nước Đức – quê hương thứ hai của mình – bằng cách làm nhịp cầu đưa lũ nhóc tì đến với nước Đức thân yêu”.
Ngày trước, khi còn ngồi học trong căn phòng nhỏ ở CTC, con gái tôi và các bạn của nó được truyền cảm hứng và một động lực học tập ghê gớm. Chúng nhận thức rõ về trách nhiệm, lòng quyết tâm, sự khát khao khám phá chân trời mới. Đối với chúng, “Trại quái vật” không chỉ là nơi đến để học tiếng mà còn là một gia đình nhỏ tràn ngập tiếng cười, niềm vui. Những cô giáo đứng lớp, bằng cách nào đó, đã thấm nhuần cái tinh thần “lửa trại” mà vị thủ lĩnh muốn gửi gắm. Với CTC, dạy tiếng Đức không chỉ là dạy một môn học, mà còn là một chặng đường giáo dục để giúp bọn trẻ học cách trở thành một con người văn hóa dù bạn trẻ ấy có đặt chân đến nước Đức hay không. Điều ấy quả là một tham vọng lớn!

Lớp Potsdam – lớp học đầu tiên của CTC (Năm 2016).

Sự nghiệp nối nhịp cầu ấy nói thì dễ, nhưng làm không dễ. Mấy cha mẹ nào cho con đi học mà chẳng mong muốn một điều gì đó, kể cả cho dù chỉ là “đi chơi cho vui”. Thế nên, bọn trẻ đến lớp không giống nhau, chúng quá khác biệt về động lực học tập, phương pháp học tập, ước mơ tương lai hay đơn giản chỉ là “bị” bố mẹ bảo đi học ở CTC. Cái sự ngáo ngơ của bọn trẻ trước cảnh cổng cuộc đời đáng yêu đến độ chúng biến một CTC non trẻ trở thành một “trại quái vật”. Mỗi gia đình có một “quái vật” đủ chết rồi, nay tất cả tập hợp lại trở thành một “trại quái vật” thì hẳn là vị thủ lĩnh phải đủ tinh quái để huấn luyện chúng.

Những đôi bàn tay làm nên con thuyền Potsdam (Mùa hè 2017).

Thật vậy, “sự tinh quái” không nhằm thẳng vào bọn trẻ mà nhằm vào cha mẹ chúng. Người phụ nữ sáng lập CTC đầy can đảm ấy luôn “thách đấu” với bất kỳ phụ huynh nào nếu họ hoài nghi, hoặc tỏ ra ngốc nghếch trong đường lối giáo dục con cái của mình. Thông qua những cuộc thách đấu ấy, vị thủ lĩnh can đảm muốn truyền một động lực thay đổi nhận thức và hành động của các cha mẹ về cách giáo dục con, làm bạn với con và quan trọng hơn làm thay đổi chính họ. Phụ huynh được truyền tải thông điệp rằng họ cần học cách hành xử văn minh, tiến bộ, trở thành những tấm gương cho con cái.
“Trại quái vật” CTC thật sự khác biệt ngay từ cái tên của nó nếu bạn tìm ra ý nghĩa của 3 con chữ ấy. CTC khác biệt bởi nó được vận hành bởi một người phụ nữ thực sự quá đặc biệt. Đằng sau người phụ nữ ấy là cả một khối tình cảm đầy yêu thương của gia đình, của những người học trò nay trở thành các thày cô của CTC, của những người bạn, người quen, và cả người lạ đã tin yêu gửi gắm con, cháu họ. Tất cả cùng sát cánh bên nhau để trao tặng những giá trị tốt đẹp của nhân loại thấm đượm vào tâm hồn của lớp trẻ.

Một buổi học vui của lớp Mainz (Năm 2019).

Nếu bạn muốn con em mình trở thành một học viên của CTC, bạn cần biết rằng bạn sẽ không được phục vụ như một khách hàng mua dịch vụ. Bạn cần phải tự biến mình trở thành một nhân tố góp sức xây dựng một cộng đồng cha mẹ tiến bộ, cống hiến vì mục tiêu giáo dục cao cả. Bạn sẽ phải gạt bỏ những thói quen cũ để trở thành tấm gương tốt cho con cái mình từ những điều nhỏ, bình dị nhất cho đến những điều lớn lao hơn. Nếu bạn đồng ý với điều ấy, nhất định người phụ nữ đặc biệt kia sẽ dẫn đường cho con bạn và bạn đến với tiếng Đức và văn hóa của đất nước mà bà vô cùng yêu quý!
Mẹ của Nguyễn Lâm Minh Thục và Nguyễn Lâm Phương Hạnh – hai học sinh của CTC

Nguyễn Thị Minh Phương