Câu chuyện nhỏ – bài học lớn từ nước Đức

Đây là những điều mắt thấy tai nghe và trải nghiệm của mình khi quan hệ giao tiếp với các bạn bè, đồng nghiệp người Đức.

Câu chuyện thứ nhất

Có lần, mình đi ăn cùng mấy người bạn Đức. Vào quán, hôm đó đen đủi thế quái nào mà mình gọi phải cái món rất khó xơi (cái loại “phàm ăn” như mình mà đã chê dở ắt hẳn là có vấn đề, he he…) và quan trọng là giá ở đó không hề rẻ. Mình tiếc tiền nên định cố nhai. Người ngồi cạnh mình bảo “nếu không ăn được thì tốt nhất là chọn món khác. Mình bảo thôi, đã trót đặt rồi thì ăn, không ăn tiếc tiền bỏ xừ, với lại có ăn cũng không chết được người đâu mà lo. Logic của mình là “đã mất tiền thì phải cố mà ăn”, và thế là mình bị lên lớp cho một bài dài dằng dặc. Hóa ra logic của hắn là thế này: nếu trót đặt phải món ăn không ra gì thì tốt nhất là bỏ đi (và tất nhiên là không bao giờ quay lại chốn đó) vì như thế chỉ mất mỗi tiền (và cũng hơi tức một lát lúc đó), còn nếu cứ cố ăn thì thiệt hại tăng gấp mấy, tiền vẫn mất mà còn cái cảm giác vừa ăn vừa bực mình vì món ăn vào mồm không ra gì, thậm chí có khi còn có hại sức khỏe. Ngẫm lại mới thấy cậu này nói có lý quá. Đấy là Tây còn chưa được thưởng thức món cháo quát phở chửi ở Hà Nội, nếu không nó còn tởn nữa, he he…

Câu chuyện thứ 2

Có lần, chiếc xe BMW của một đồng nghiệp Đức của mình bị trộm đập tan cách cửa và thuổng mất cái Radio. Xe đắt tiền nên cái Radio bị mất giá cũng đến nghìn rưởi Euro. Sau khi báo công an, anh bạn này tìm mua một chiếc radio khác thay thế với giá tiền chỉ bằng nửa giá cái Radio cũ. Mình hỏi sao lại mua cái rẻ thế, hãng bảo hiểm trả tiền cơ mà thì được trả lời dại gì mà mua cái đắt tiền như thế, lắp vào là trộm lại mò tới ngay lập tức. Nếu chuyện này xảy ra vài lần thì chắc chắn hãng bảo hiểm hoặc là sẽ từ chối bảo hiểm tiếp cho xe của tôi hoặc là sẽ nâng giá bảo hiểm lên nên tôi không dại gì mà mua cái đắt tiền như thế. Và anh này gọi điện đến một cửa hàng bán nội thất ô tô hẹn lịch lắp cái radio mới.

Nếu chỉ thế thì chuyện không có gì để nói lắm. Thế nhưng, khi vừa đặt lịch lắp chiếc radio mới với cửa hàng xong thì công an gọi điện tới báo đã tìm thấy tên trộm ăn cắp chiếc radio và mời anh này đến nhận lại đồ bị mất (trộm người Nga, ăn cắp để mang về bán tại Nga và bị bắt ở biên giới Ba Lan). Sau khi cảm ơn công an anh bạn này thông báo đã vừa lắp radio mới (mặc dù ngày hôm sau mới có hẹn lắp), không cần chiếc radio vừa được tìm lại nữa. Nghe kể thế mình lấy làm thắc mắc hỏi tại sao không lấy lại cái Radio vừa tìm lại được thì được trả lời thế này: thì đã giải thích rồi đấy, nếu lắp vào là lại bị đập ngay nên không dại gì mà lắp. Hơn nữa, hãng bảo hiểm sẽ trả tiền cho chiếc radio mới của tôi nên chiếc radio bị mất vừa tìm lại được sẽ thuộc về hãng bảo hiểm. Công an sẽ gửi về cho hãng bảo hiểm.

Chợt nghĩ, nếu chuyện này xảy ra với người Việt (sống ở Việt Nam, thậm chí kể cả sống ở nước ngoài) thì chắc khả năng lớn sẽ là người bị mất sẽ vừa nhận tiền chi trả của hãng bảo hiểm cho một chiếc radio mới đắt tiền đúng chủng loại của chiếc bị mất, vừa nhận lại từ công an chiếc radio bị mất vừa tìm lại được, he he…

Câu chuyện thứ 3

Một người bạn Đức của mình mua một ngôi nhà cũ nát đã hơn trăm năm tuổi và thuê mấy người thợ Ba Lan sửa chữa ngôi nhà với giá khá cao. Mình hỏi thuê thợ Ba Lan mà sao đắt thế (vì dân Ba Lan hay các nước Đông Âu khác sang Đức làm việc thường chấp nhận mức thù lao thấp hơn nhiều so với dân Đức) thì được trả lời thế này:“tại sao tao lại phải trả cho họ thấp hơn mức trả cho thợ Đức nếu những người thợ Ba Lan này rất tuyệt vời, cực kì nhiệt tình, cẩn thận và chu đáo. Như thế là không công bằng. Mày không nhìn thấy họ làm việc say sưa, tâm huyết và với tất cả cảm xúc của mình à. Tao đã quá may mắn khi thuê được những người thợ Ba Lan này. Họ thực sự là những nghệ nhân chứ không phải thợ bình thường và với những nghệ nhân thì giá thuê như thế này còn là quá rẻ”. Với vẻ mặt lộ rõ niềm vui và sự tự hào, người bạn nói tiếp với giọng phấn chấn: Nhìn những tấm sàn gỗ thì mày thấy đấy, những vân gỗ được mài sáng bóng nhìn như những bức tranh tuyệt đẹp, không tấm nào giống tấm nào, đúng là một công trình nghệ thuật. “Ngay cả chỗ sàn gỗ bị cháy tuy họ đã bào đi và sửa lại rất công phu nhưng vẫn tinh tế và khéo léo để lại một vết cháy sém khá to như chứng tích lịch sử của ngôi nhà (trong những “chứng tích lịch sử” của ngôi nhà được giữ lại còn có cả chiếc mũ nan rách sờn của của bà chủ cũ của ngôi nhà được đặt ngay ngắn trên chiếc tủ nhỏ trong hành lang vào nhà). Hàng ngày, tao sẽ ngồi góc kia nghe nhạc và ngắm nhìn những vết tích còn sót lại như thế của ngôi nhà và tưởng tượng ra cuộc sống của các gia đình đã từng sống trong ngôi nhà này cả trăm năm qua. Thật là tuyệt vời! Và người bạn mình cứ hả hê nhắc đi nhắc lại: họ thực sự là những nghệ nhân, họ thực sự là những nghệ nhân,….”

Người bạn Đức của mình đã đối xử với những người thợ Ba Lan như những người bạn thực sự (sau này họ đã trở thành những người bạn thân thiết). Trong thời gian sửa chữa ngôi nhà, mấy người thợ Ba Lan còn được ở trong ngôi nhà khác của bác này cách đó mấy cây cho tiện việc đi lại và đỡ phải tốn tiền thuê nhà ở. Sau có một sự cố nho nhỏ xảy ra. Mấy người thợ Ba Lan dùng điện nước vô tư xả láng (chắc theo cung cách thời bao cấp bên Ba Lan?) làm người bạn mình khá sốc khi nhận được hóa đơn thanh toán lên đến hơn 2 ngàn Euro cho mấy tháng. Mình nghe kể thế bèn hỏi thế mày có nói với họ không? Ít ra cũng nói để họ biết mà tiết kiệm chứ,và về nguyên tắc họ dùng thì họ phải trả. Người bạn mình mặt mũi trầm ngâm vài giây rồi bảo thôi, cho qua đi, tao quyết định không nói vì dù sao công việc của họ cũng sắp xong rồi. Điều quan trọng hơn cả là tao rất vui và hài lòng với chất lượng công việc họ làm. Mình chịu thiệt một tí vậy chứ nói ra sẽ làm họ tổn thương và mất vui đi. Mình nghe xong thì nể phục người bạn này quá.

Câu chuyện thứ 4

Trong khuôn khổ một dự án giáo dục ở Việt Nam mà phía Đức trúng thầu, một đồng nghiệp Đức của mình, giáo sư một trường đại học Đức được phân công nhiệm vụ tư vấn mua sắm trang thiết bị cho các cơ sở đào tại Việt Nam. Việc mua sắm tất nhiên phải tuân thủ theo nguyên tắc đấu thầu. Một công ty kinh doanh trang thiết bị trường học của nước ngoài “nghe ngóng” được thông tin béo bở này bèn “đặt vấn đề” với vị giáo sư nọ rằng nếu vị này tư vấn cho phía Việt Nam chọn công ty này được “trúng thầu” thì công ty sẽ “tặng”, đúng ra là “lại quả” cho một con xe BMW. Mình nghe vị giáo sư này kể chuyện bèn hỏi lại thế ông trả lời như thế nào thì được nghe đáp lại như sau: Còn trả lời thế nào nữa. Tôi bảo họ xe BMW tôi có rồi, mà nếu chưa có thì tôi cũng chẳng dại gì mà bán rẻ thanh danh và sự nghiệp của mình vì cái xe BMW. Không nhẽ danh dự của tôi chỉ rẻ thế. Tôi bảo họ như tôi biết, đất nước Việt Nam còn rất nghèo, nếu các ngài có lòng thì cứ mang số tiền trị giá con xe đó trao tặng Việt Nam ấy nhé, cảm ơn nhiều. (Câu chuyện này mình cũng đã có dịp được nghe lại từ một nguồn khác nữa nên mình tin chắc đó là sự thật).

Nghe vị giáo sư già kể lại câu chuyện này mà mình thực sự sốc. Hóa ra danh dự, liêm sỉ của giáo sư Tây nó lại cao đến thế.

Cứ ngậm ngùi tự hỏi liệu có ai ở xứ sở này có đủ liêm sỉ, danh dự và lòng tự trọng để có thể từ chối một lời mời chào béo bở và hấp dẫn đến thế? Liệu bao giờ điều này mới xảy ra ở xứ sở Tiên rồng có lịch sử tự vẽ 4000 năm văn hiến?

Giời ạ, mình đúng là ngu si nên mới cứ tự hỏi ba lăng nhăng như thế cho mất thời giờ vì ở xứ sở con Rồng cháu Tiên này thì các Rồng đực, Rồng cái, Tiên ông, Tiên bà dòng giống vốn thông minh hơn người nên chúng sẽ chẳng thèm “ăn non” con xe BMW làm gì. Chẳng bõ dính mép. Chúng sẽ cao kiến hơn bằng cách lập ra các công ty sân sau, sân trước bao từ A đến Z để mời thầu là chúng nó mà trúng thầu cũng là chúng nó luôn.

Sực nhớ có lần mình trút bức xúc với mấy đồng nghiệp Đức về tệ nạn mua bán chỗ làm công chức nhà nước ở xứ này thì được một vị an ủi: Thôi bà ạ, bà cũng đừng bức xúc quá làm gì. Ở nước chúng tôi cũng có tình trạng đó.

Mình nghe thấy thế đã hơi bớt ngậm ngùi.

Thế nhưng vị này nhếch mép thủng thẳng nói tiếp “…nhưng mà từ thế kỉ thứ 18”.

Thôi xong, thế hóa ra xứ mình còn cách xa “chúng nó”, cái bọn tư bản giãy chết đấy, những 300 năm cơ à.

Câu chuyện thứ 5

Một đồng nghiệp Đức thân thiết của mình chạy con xe rất ngon nhưng có cái mầu không ưa nhìn chút nào, cái màu rất khó định nghĩa. Xám nhờ nhờ, lờn lợt. Mình hỏi sao không chọn màu gì cho sang, cho đẹp tí thì được trả lời “Ối giời, màu sắc quan trọng gì, tôi ngồi trong xe chứ có ngồi ngoài xe đâu. Miễn là xe chạy tốt, tốn ít xăng là được”.

Một người bạn khác có nhà ở ngoại ô. Nhìn bề ngoài ngôi nhà trông sần sùi, xấu xí. Đến sơn cũng chẳng thèm quét, cứ màu mộc của vữa mà chơi, nhìn thoáng qua ai cũng ngỡ nhà vô chủ. Thế nhưng, vừa bước chân vào trong nhà bất cứ ai cũng phải ngỡ ngàng vì kiến trúc cũng như cách bài trí giản dị, ấm cúng mà vẫn toát lên vẻ sang trọng theo phong cách Bắc Âu. Cách bài trí trong nhà hoàn hảo đến từng chi tiết, thể hiện gu thẩm mĩ tinh tế và rất có văn hóa của chủ nhân. Khách đến chơi nhà không ít người thắc mắc sao bên trong nhà đẹp thế mà lại để bên ngoài xấu xí làm vậy. Chủ nhân cười khà khà bảo “Mình không sống thường xuyên ở đây. Vậy mọi người thử nghĩ xem nếu có trộm thì liệu bọn trộm có thèm dòm ngó vào ngôi nhà nhìn bề ngoài tuềnh toàng như ngôi nhà này không? Chắc chắn là không rồi. Với lại, mình sống ở trong nhà chứ có sống ở ngoài đâu nên quan trọng gì cái hình thức bên ngoài”.

Có lần mình vui mồm hỏi đùa vị đồng nghiệp Đức sao là giáo sư danh tiếng mà chạy con xe cùi thế? Vị này thủng thẳng trả lời “Ôi dào, chỉ những con người “nhỏ bé”mới phải cần đến những chiếc xe to”. À ra thế, những người như ông ta thì không cần đến những chiếc xe to và những bộ quần áo bảnh chọe, hào nhoáng, đắt tiền cũng đúng thôi. Quen biết, giao du nhiều nhưng gặp được người thông minh, trác việt như vị này kể cũng hiếm. Với Tây, con xe chỉ được xem như một phương tiện dịch chuyển, còn với Ta nó không chỉ là một gia sản mà với nhiều người nó còn được xem như đẳng cấp của họ trong thiên hạ. Người ta bảo thước đo để đánh giá một xã hội văn minh không phải là số lượng người dân có ô tô mà là số người giàu chuyển từ dùng phương tiện cá nhân sang dùng phương tiện công cộng. Còn ở xứ mình thì ngược lại.

Câu chuyện thứ 6

Một lần đi uống Cafe với vợ chồng một người bạn Đức, thấy hai vợ chồng nhà đấy mặt mũi có vẻ hơi căng thẳng rù rà rù rì một chuyện gì đó. Chắc dòm ánh mắt mình có vẻ ngạc nhiên, người chồng kể em trai ông ấy ốm, vợ ông muốn đi thăm mà em trai ông chưa đồng ý nên giờ bà vợ lại có ý giục ông ấy thuyết phục em trai cho bà ấy vào thăm. Mình bảo em ông ốm thì vợ ông là chị dâu vào thăm là đúng rồi chứ còn gì nữa, thế mà cũng phải xin phép à? Ông bạn bảo không, bên này mọi người chỉ thăm nhau khi được phép. Khi ốm con người ta ai cũng mệt mỏi, đau yếu nên không muốn tiếp khách và cũng không muốn người khác nhìn thấy mình trong tình trạng hình hài không bình thường, đầu tóc rối tung, mặt mày bạc nhược, bởi thế chỉ người nhà, ruột thịt gần mới thăm nhau. Vợ tôi muốn vào thăm mà em trai tôi chưa đồng ý và bảo đợi vài bữa chú ấy khỏe hơn chút đã hãy vào. Mình cười khình khịch bảo, ối giời, ở nước tao cứ ai ốm đau hoặc tứ thân phụ mẫu của bạn bè, đồng nghiệp ốm đau thì có mà mọi người lũ lũ lượt kéo vào thăm, mệt muốn chết luôn. Không đi không được vì đó đã thành tập tục, thậm chí một nét văn hóa. Nghe vậy, thằng Tây cười khùng khục bảo nếu đấy là văn hóa của chúng mày thì bên này chúng tao sợ cái văn hóa đấy lắm. Mình bảo đúng thế, người có khỏe như trâu mà cứ tiếp ngần ấy khách cũng đến liệt chứ đừng nói là đang ốm đau mệt mỏi mà cứ phải gắng kể lể, khai báo các loại bệnh tật mỗi khi có khách đến thăm thì chắc chết luôn cho xong. Mà kể cũng lạ, không ít người mới ốm đau loàng xoàng tí là hô hoán tóe loe để mọi người đến thăm. Và cũng không ít người có tí chức quyền rất thích mang cái sự ốm, sự đau của bản thân hay tứ thân phụ mẫu ra làm thước đo lòng trung thành, sự tận tụy của đám nhân viên cấp dưới. Sếp hay bố mẹ sếp có hắt hơi sổ mũi tí ti là cả cơ quan lại ngoắng lên như chạy loạn, he he… Não!

Con trai thầy giáo ruột của mình mất đột ngột. Từ lâu, thầy cô coi mình như người thân trong nhà. Lần nào qua Đức cũng đến thăm và ăn bữa cơm với gia đình thầy (thầy cô bao giờ cũng gọi các con về ăn mỗi lần có mình đến). Mình nhận được hung tin (thầy mail kể cho con gái mình) rất buồn và thương thầy cô, muốn viết mail chia buồn (chứ không dám gọi điện). Cẩn thận nên hỏi ý kiến mấy người bạn Đức thì đều được bảo mình tuyệt đối không được viết mail chia buồn hay hỏi thăm gì hết trừ khi gia đình họ trực tiếp thông báo cho mình biết, càng hỏi thăm họ càng buồn, cứ để họ từ từ nguôi ngoai. Nghe bảo vậy mình đành buồn bã im lặng. Ngày gặp lại, nhìn thấy một góc nhỏ trên chiếc tủ tường nhà thầy có ảnh cậu con trai đặt cạnh ảnh cả nhà, cạnh đó là một lọ hoa tươi, mình chỉ dám nhìn lướt nhanh và lập bập một câu “không ai đứng được ngoài số phận, tôi và gia đình đã rất buồn” rồi vội đánh lảng sang chuyện khác vì sợ câu chuyện lại lái theo chiều bi kịch, lấy đi nước mắt của mọi người.

Xưa nay vẫn biết ốm đau, ma chay, cưới xin bên này là chuyện cá nhân, chuyện riêng của gia đình, không phải là chuyện của “cơ quan đoàn thể” như ở nhà mình nhưng đến chị dâu cũng phải xin phép mới được vào thăm thì mình cũng thấy lạ. Chẳng bù cho nhà mình, cái gì cũng phải “đông đàn dài lũ” mà ngán ngẩm. Nhìn ở các đám hiếu, nhiều người mặt mũi hớn ha hớn hở đứng chuyện trò rôm rả trước (hay sau) khi đến lượt vào viếng mà thấy ngán. Rồi đám cưới cũng thế, chẳng ai quen biết ai, cứ ào ào sắp mâm đánh chén, nâng lên đặt xuống mà hãi.

Con gái mình nhắn tin về dặn ba mẹ lên danh sách khách mời dự đám cưới. Con bé cứ dặn đi dặn lại “đây là đám cưới của con chứ không phải đám cưới của ba mẹ nhé”. “Quán triệt đường lối chỉ đạo”, hai vợ chồng “tinh tuyển” được khoảng dăm chục người, đấy là đã tính cả nhà ngoại lẫn nhà nội, trong đó có cả cô dâu chú rể và “hai cụ” thân sinh ra con gái mình và cả thằng em trai nó nữa đấy, he he… Hi vọng được con gái tuyên dương, he he…. Kiểu gì thiên hạ cũng bảo nhà mình dở hơi.

Mà thôi, không sao, dở hơi chút cũng được.

Cho đỡ mệt.

Mà biết đâu thiên hạ lại mừng, hi hi….

Câu chuyện thứ 7

Một vài năm trở lại đây, hàng năm, vào tháng 10, tại Khách sạn Daewoo có tổ chức lễ hội bia Đức Oktoberfest (*). Có lần lễ hội bia này diễn ra đúng lúc có mấy đồng nghiệp Đức qua Hà Nội công tác. Mình vui miệng hỏi “thế nào, có đi dự tí cho vui không?” thì được trả lời vỗ vào mặt “Ối giời, chưa bị dở hơi nhé, ở Đức còn chẳng bao giờ đặt chân đến những chỗ như thế mà qua Việt Nam lại đến à”. Thế nhưng cứ rủ đi đâu, ăn gì, chơi gì, ngó gì “đậm màu sắc Á đông/Việt Nam” là OK liền. Có lần, một người bạn Đức còn xin được “bám càng” đại gia đình mình đi tảo mộ nhân tiết Thanh minh để tận mắt “mục sở thị” phong tục tập quán của người Việt.

Mấy người bạn Đức cứ thắc mắc là không hiểu sao người Việt chúng mày đi đâu cũng dính chặt lấy nhau và lúc nào cũng phải “dính lấy cơm”, cứ như rời cơm là chết, hic. Sang Tây có một vài tuần nhưng kiểu gì cũng phải mò đến quán ăn châu Á hoặc nếu ở apartment thì kiểu gì cũng phải kiếm đồ châu Á về tự nấu. Thời gian chủ yếu dành cho nấu ăn, thăm viếng gia đình, bạn bè quen thân người Việt để tán vài ba câu chuyện chứ ít khi tò mò tìm hiểu về những yếu tố lịch sử hay văn hóa của vùng đất mà mình đặt chân đến. Nếu có đi xem phố ngó phường thì cũng chỉ nhong nhóng tìm đến những chỗ dân du lịch đổ về để ngoáy đít, hếch mông hay nghiêng vai, xoay đầu làm vài kiểu ảnh nhằm khoe mẽ với người thân về những miền đất mà mình đã được đặt chân đến mong nhìn thấy ánh mắt thèm khát, điệu bộ xuýt xoa và trầm trồ ngưỡng mộ từ họ. Có lần tình cờ nghe lỏm được hai tay Đức nói chuyện với nhau trong khi đợi các thành viên trong đoàn Việt Nam chụp ảnh “ối giời, mày biết không, bọn Việt Nam á, nếu cái tháp có 8 góc thì chúng nó kiểu gì phải đứng ở đủ cả 8 góc để chụp ảnh”. Nghe thấy vậy suýt nữa cười ré lên nhưng may mà kìm được nên chỉ bật ra thành những tiếng khùng khục khe khẽ trong cổ họng. Chắc hai tay này phải đợi lâu quá nên mới bực mà thốt ra vậy chứ nếu có cái tháp bát giác thật thì dân Việt cũng chỉ làm dáng chụp ảnh ở cùng lắm là 5 góc thôi. Mình cam đoan thế, he he….

Mấy người bạn Đức bảo mình, họ không thể hình dung được là khi ra nước ngoài mà lại mò đi tìm người Đức để gặp gỡ hay trò chuyện. Nếu để gặp người Đức thì thà ngồi luôn ở Đức cho tiện. Đi nước nào thì phải xông xáo mọi ngóc ngách, nhìn ngó, quan sát, tìm cách trò chuyện, giao tiếp với người bản xứ để tìm hiểu về phong tục, tập quán, văn hóa bản địa. Chẳng bù cho dân Việt, dù có sống đến mấy chục năm trời Tây thì quanh đi quẩn lại chủ yếu cũng chỉ giao tiếp co cụm với nhau. Cả tuần học hành, làm ăn vất vả, cuối tuần nào không ngủ nghỉ thì cũng chỉ chạy vòng quanh tụ tập ăn uống, tán phét nay nhà nọ, mai nhà kia. Bởi thế, dù có định cư lâu năm đến mấy thì khả năng hội nhập thực sự vào xã hội sở tại cũng rất hạn chế. Tuy định cư lâu ở xứ người nhưng sự hiểu biết thực sự về kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội hay những phong tục tập quán, lề thói suy tư duy, suy nghĩ của dân tộc đó phải nói là rất khiêm tốn.

Câu chuyện thứ 8

Con gái mình học chuyên ngành Xã hội học và Kinh tế tại một trường ĐHTH ở Đức, nơi ngày xưa mình từng học. Cách đây mấy năm, Trung tâm đảm bảo chất lượng của trường đó có đăng tin tuyển sinh viên làm thêm. Con gái mình cũng dự tuyển. Mỗi ứng viên phải làm một bài test và nếu làm tốt thì sẽ đến màn phỏng vấn. Thời gian chuẩn bị rất ngắn, thứ 6 biết thông tin thì thứ 2 đã phải dự tuyển. Con gái có gửi cho mình xem đề bài, mình đang lăn tăn chưa biết làm kiểu gì thì con gái gửi bài nó làm, mình xem xong thấy phục nó quá và “phán” luôn nếu con làm thế này thì mẹ nghĩ kiểu gì cũng sẽ được chọn. Và y như rằng, nó cùng một người nữa lọt qua 2 vòng dự tuyển và được nhận vào làm.

Cậu giám đốc trung tâm này cũng là một đồng nghiệp quen biết của mình (cậu này trẻ nhưng rất giỏi, cũng mới được bổ nhiệm giáo sư ở một trường ĐHTH khác) . Một thời gian sau, khi mọi việc đâu vào đó, con gái đã đi làm, mình viết mail cho cậu giám đốc trung tâm này và hỏi xem con bé được nhận vào làm có phải do nó xứng đáng được nhận hay vì nể nang quan hệ với mẹ nó. Cậu ta lập tức viết mail trả lời mình thế này: Tôi biết ngay là thể nào cũng có lúc bà sẽ hỏi câu ấy và có ý nghĩ như vậy. Nhưng xin thưa với bà là đây không phải là Việt Nam và chúng tôi không phải là băng đảng Mafia (nguyên si từ dùng của cậu ta, cậu này đi làm việc ở Việt Nam nhiều nên rất “thủng” những trò ma giáo của dân Việt). Ngay khi nhận hồ sơ, biết là có con gái bà dự tuyển nên để khách quan tôi đã quyết định không tham gia tuyển người mà ủy thác cho đồng nghiệp khác làm việc này. Con gái bà được nhận vào làm là hoàn toàn xứng đáng, chúng tôi xét tuyển công khai, minh bạch, không có chuyện cả nể hay khuất tất. Rồi cậu ta nhấn mạnh “Bà nhớ cho, đây là Đức chứ không phải Việt Nam nhé”. Mình đọc mail của cậu ta thấy ngượng thối cả mặt bèn viết thư thanh minh thanh nga, bla bla chữa ngượng.

Khiếp quá đi mất, có mỗi tuyển sinh viên vào làm thêm chứ chưa phải tuyển cán bộ biên chế mà đã nghiêm túc đến thế thì đúng là hãi tụi Đức quá đi mất.

Con gái mình làm ở đó đâu chừng hơn một năm thì cũng xin thôi vì có job khác.

Một chuyện khác.

Chục năm trước, trong lần qua Đức, mình tranh thủ ghé thăm các ông bà giáo cũ và rẽ vào thăm hỏi các cán bộ phòng phụ trách sinh viên nước ngoài. Gặp ông phụ trách bọn mình ngày xưa mình có thành ý tặng ông ấy một chiếc cà vạt lụa tơ tằm mà ông ấy kiên quyết không nhận. Giải thích thế nào cũng không được. Mình bảo đây chỉ là món quà nhỏ từ Việt Nam, có giá trị gì đâu mà ông ngại. Ông ấy bảo rất cảm ơn tình cảm, tấm lòng của mình, gặp lại mình, nghe mình kể chuyện về công việc, cuộc sống ở Việt Nam là ông ấy vui rồi, nhưng ông ấy không thể nhận và cũng không được phép nhận. Chốt lại ông ấy nói “tôi biết tình cảm chân thành của bà, nhưng tôi không thể nhận vì không muốn mất việc”. Nói đến thế thì chịu rồi. Mình đành tán phét một lát rồi chào ra về.

Câu chuyện thứ 9

Noel và năm mới 2015 mình nhận được một món quà thật đặc biệt từ vị giáo sư già người Đức, người “cầm lái vĩ đại” cho những năm tháng nhọc nhằn với con chữ của mình thời xa xứ.

Món quà là một cuốn lịch treo tường khổ to do Thầy tự tay thiết kế và “thi công”. Cầm cuốn lịch trên tay mà cảm động đến trào cả nước mắt khi hình dung ra cảnh ông giáo già cặm cụi bên chiếc máy tính để tìm kiếm, lựa chọn tranh ảnh, thông tin làm nội dung cho tờ lịch. Mỗi tháng là một loài hoa. Thầy đã tỉ mẩn tìm kiếm những bức tranh đẹp cho từng loài hoa kèm những lời giới thiệu về loài hoa ấy (Thầy còn cho cả ảnh mình lên lịch, hi hi). Tinh tế hơn nữa, mỗi tháng Thầy còn trích ra một câu cách ngôn liên quan đến loài hoa ấy. Lòng nghẹn ngào xúc động mình lật giờ từng tháng, từng tháng và khi lần giở đến trang cuối rồi lướt qua những dòng chữ Thầy viết trên ấy mình đã thực sự sốc. Không thể tin được những gì đã được viết ra trên trang cuối ấy: Thầy đã cẩn thận trích các nguồn trên internet, nơi Thầy đã lấy xuống những bức tranh và những thông tin đi kèm để dùng cho cuốn lịch. Cẩn thận hơn, Thầy còn ghi rõ “những bức ảnh và thông tin này không dùng với mục đích kinh doanh và chỉ dùng với mục đích thuần túy cá nhân, 24 trang của một cuốn lịch, tối đa 9 bản” (bằng số và bằng chữ). Chuyện sử dụng tranh ảnh, thông tin trên mạng cho vào vài cuốn lịch tặng học trò, bạn bè, đồng nghiệp thân thiết, đâu có phải công trình học thuật gì nhưng Thầy vẫn cẩn trọng ghi chú các nguồn sử dụng như thế. Có lẽ sự nghiêm ngắn, minh bạch và chỉn chu của một người làm khoa học đã ăn sâu vào con người Thầy. Nhớ lại những ngày tháng học với Thầy, Thầy luôn dặn mình “Dùng của ai cái gì thì nhớ đừng quên trích nguồn, nếu sách nào mình không đọc trực tiếp (tài liệu gốc) mà chỉ trích lại từ sách khác (tài liệu thứ phát) thì khi dẫn nguồn phải ghi là trích theo sách khác/tài liệu thứ phát đó chứ không được ghi là trích từ sách gốc nhé, như thế là gian dối về học thuật đấy”. Được Thầy dạy kĩ như vậy nên sau này, khi viết lách cái gì mình cũng rất cẩn thận trích dẫn nguồn đầy đủ, minh bạch. Và với các học trò mình cũng đã luôn cố gắng chỉ bảo kĩ càng như thế. Thời mình học còn chưa có internet như bây giờ nên cái sự ăn cắp ăn trộm nó chưa đến mức khủng khiếp như thời này. Mình còn phải dặn học trò khi dùng bất cứ thông tin gì trên mạng cũng phải dẫn ra đường link cùng thời điểm mình truy cập vào cái đường link ấy (bởi có phải những thứ mình lấy ra từ đó cứ nằm chềnh ềnh trên trang đó mãi). Cố gắng là thế, tận tâm là thế nhưng lắm khi mình đã cảm thấy thực sự bất lực.

Câu chuyện thứ 10

Một đồng nghiệp Đức của mình, giáo viên một trường THCS tại Berlin, kể rằng nhân dịp Noel và năm mới vừa rồi cô ấy nhận được một món quà là chiếc khăn lụa từ một học sinh châu Á. Chỉ đơn giản có thế thôi nhưng gương mặt cô ấy tỏ ra bất an và lo lắng. Mình bảo, không sao đâu, người châu Á chúng tôi có truyền thống tôn sư trọng đạo, dịp lễ Tết hay ngày nhà giáo phụ huynh và học sinh thường hay tặng quà cho giáo viên dạy con mình để bày tỏ tấm lòng biết ơn, sự tri ân công lao các thầy cô đã dạy dỗ bảo ban con mình, thôi cô cứ nhận và dùng đi cho trẻ nó mừng nhé. Nói thế nào cô ấy cũng lắc đầu quầy quậy, mặt mũi đăm chiêu. Cô ấy nói cô ấy có lẽ sẽ trả lại món quà mặc dù rất không muốn cô bé học trò lớp 6 của mình bị tổn thương, bởi vì một đồng nghiệp của cô ấy đã bị phạt 4000 euro chỉ vì đã nhận món quà từ các phụ huynh. Mình và mấy người bạn Đức nữa ngồi bàn bạc với cô ấy cách xử trí với món quà và một ý kiến đề xuất được đưa ra thế này: cô hãy ra cửa hàng xem cái khăn đấy trị giá khoảng bao nhiêu tiền rồi về tuyên bố công khai trước lớp về trị giá món quà rồi sung vào quĩ lớp đúng số tiền ấy, như thế vẹn cả đôi đường, trò vui, cô cũng vui mà lại thanh thản, học sinh trong lớp qua đó cũng được một bài học ý nghĩa về sự tử tế, minh bạch.

Một cô em chơi thân với mình đợt Noel vừa rồi cũng tặng cô giáo của con 02 hộp Schocola, ngay hôm sau cô giáo gửi trả lại một hộp vì không được phép.

Hè 2001, trong một lần trở lại trường ĐHTH mình học ngày trước, mình có ghé thăm ông tiến sĩ phụ trách sinh viên nước ngoài và tặng ông món quà nhỏ mang từ Việt Nam. Món quà chỉ một chiếc cà vạt bằng lụa tơ tằm nhưng ông ấy đã kiên quyết từ chối “Bà Hoa ơi, cho tôi xin lỗi, tôi hiểu tấm lòng của bà nhưng tôi không được phép nhận quà, tôi không muốn mất việc.”

Xã hội Đức nó nghiêm ngắn là thế. Ở Đức có qui định cụ thể về giá trị món quà giáo viên được phép nhận, ví dụ theo qui định của Hiệp hội giáo dục và dạy học bang Nordrhein-Westfalen thì:

– Nếu quà của cá nhân học sinh thì không quá 15 euro;
– Nếu quà của tập thể phụ huynh hay học sinh thì không được phép quá 25 euro và mỗi học sinh không được đóng góp quá 1 euro
– ….và vô số những điều khoản qui định khác nữa, rất chặt chẽ, cụ thể.

Cách đây không lâu một giáo viên ở Berlin (chính tại trường con của cô em mình học), một cô giáo rất nhiệt tình, tận tâm với nghề, được học sinh và phụ huynh rất yêu quí tin tưởng, đã bị phạt 4000 euro (may mà không bị mất việc) cũng chỉ vì đã nhận quà của lớp trị giá 200 euro. Vì yêu quí cô nên khi chia tay cô để lên lớp mới phụ huynh cả lớp đã bàn nhau quyên góp mỗi người 10 euro mua tặng cô bức tượng diễn viên hài nổi tiếng người Đức Loriot mà cô thích. Sau đó vụ việc bị báo chí phanh phui và không chỉ cô giáo chịu hình phạt ấy mà đến cả các phụ huynh học sinh cũng đang có nguy cơ bị truy cứu.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *