Bạn trẻ xuất sắc ở nước nhà nhưng “trượt dốc” khi du học…

Không ít sinh viên quốc tế bị trầm cảm, căng thẳng dẫn đến lựa chọn tiêu cực như tự tử tăng lên cao. Dễ nhận thấy, họ thường có 3 điểm chung: điểm đầu vào rất tốt, không thích ứng được với môi trường ngôn ngữ mới, đa phần là châu Á như Trung Quốc, Việt Nam…

Vậy tại sao lại có thực trạng này?

Những quốc gia ở châu Á như Trung Quốc, Việt Nam, Hàn Quốc thường coi trọng thành tích. Vì vậy đa phần các sinh viên đều chú trọng vào việc đạt kết quả cao trong việc học. Họ tích lũy và đưa ra rất nhiều chương trình rèn luyện và phương pháp nhằm mục tiêu tạo kết quả cao trong thi cử.

Trong các phần thi như IELTS, TOEFL, GRE, MAT, SAT… thì số lượng sinh viên Trung Quốc đạt điểm cao rất nhiều. Kết quả học tập của họ rất tốt nên cũng được nhận vào các trường danh tiếng.

Tuy nhiên, cách học đó cũng có điểm yếu. Đó chính là nó thiếu đi tính sáng tạo, sự linh động và khả năng thích nghi. Chính điều đó đã làm cho các sinh viên này khi đến Mỹ sẽ rất bỡ ngỡ.

Thứ nhất là vấn đề ngôn ngữ. Họ rất giỏi học thuật, nhưng lại rất kém trong giao tiếp. Vì vậy, họ khó tìm được nhịp điệu chung trong cuộc sống mới tại các nước như Anh, Mỹ…

Bên cạnh đó, họ không theo kịp được bài giảng trên lớp. Và do thói quen được học theo chương trình định sẵn, được chỉ bảo phải làm gì để được điểm cao nên họ gặp khó khăn với cách dạy chỉ hướng dẫn kiến thức nền tảng và bắt sinh viên phải tự tìm hiểu thêm như ở Mỹ.

Đó là lý do người Mỹ thích dùng từ Instructor (người hướng dẫn) hơn là Teacher (giáo viên) cho các thầy cô cấp trên trung học. Những điều này gây ức chế tâm lý và ảnh hưởng đến năng lực. Có lẽ không du học sinh nào không ít nhiều trải qua cảm giác này.

Thứ hai là sự kỳ vọng vào thành tích rất lớn ở bản thân và ở người thân. Sự kỳ vọng này là nguồn động viên và cũng là nguồn thuốc độc. khi sự kỳ vọng không được đáp ứng, nó sẽ trở thành sự thất vọng. Khi bên cạnh không có ai để vực dậy, các bạn với tâm lý yếu sẽ dẫn đến những con đường giải thoát tiêu cực rồi cứ thế “trượt dốc”…

Bản thân Khoa cũng có giai đoạn trầm cảm và nghi ngờ chính mình. Chuyện đó xảy ra trước khi đi du học. Thời học sinh, Khoa luôn nằm trong top học sinh giỏi của trường và là học sinh giỏi cấp thị xã.

Lòng tự hào của mình càng được củng cố hơn khi Khoa trúng tuyển vào lớp Cử nhân Tài năng Khoa Toán Tin trường Đại Học Khoa Học Tự Nhiên TP. HCM vào năm 2004. Lớp chỉ có 16 người thôi trên tổng số 300 tân sinh viên.

Tuy nhiên, khi bắt đầu học là cả một sự mài giũa kinh hoàng. Không kể đến việc kiến thức khó hơn nhiều so với lớp ngoài, mình còn đối mặt với việc phải học chung với một đám thiên tài từ các trường Phổ thông năng khiếu, chuyên Lê Quý Đôn, Lê Hồng Phong… Có nhiều bạn là học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia, 2 bạn từng đoạt huy chương bạc Toán quốc tế.

Biết là mình không sánh nổi, thế nhưng cứ khi nào thầy cho bài mới thì mình đưa cái mặt ngu ra, còn tụi bạn thì bàn luận sôi nổi kiểu như thể vấn đề nằm ở mức độ tối nay ăn ở đâu vậy.

Ngay cả khi được giải thích cặn kẽ mình vẫn phải mất không ít thời gian để hiểu ra. Vậy đó, tự tin của mình bay biến mất. Nhiều khi còn tự hỏi quyết định vào lớp này có sai lầm không. Và cái cảm giác tự tị, mất tự tin đó luôn theo mình rất lâu.

Khoa tốt nghiệp đại học trong 4 năm như kế hoạch. Nhưng kinh nghiệm đó theo Khoa đến cuối đời. Có lẽ nhờ nó mà Khoa vượt qua thời gian đầu khủng hoảng ở Mỹ.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *