Cảm xúc từ những miếng vá

Bài đã đăng trên Tạp chí truyền hình VTC News

Giờ ngẫm lại vẫn không sao tin nổi, ấn tượng mạnh nhất, cảm xúc lớn nhất trong chuyến đi châu Âu vừa rồi của mình hóa ra lại đến từ một thứ thật tầm thường, thậm chí là vớ vẩn (trong con mắt nhiều người). Không ít lần tự hỏi, hay mình là người tầm thường nên ấn tượng cũng chỉ đến từ những điều tầm thường, vặt vãnh? he he…

Cảm xúc ấy, ấn tượng ấy không đến từ vẻ đẹp cổ kính của những lâu đài, cung điện, hay những khu phố xá sầm uất mà lại đến từ những miếng vá.

Những miếng vá đường.
Những miếng vá ngay ngắn và nuột nà, khéo léo và cẩn trọng như những miếng vá rất khéo trên những tấm áo thuở cơ hàn.

         Những miếng vá đường ngay ngắn và nuột nà, khéo léo và cẩn trọng

Không hiểu sao mình lại cứ bị những miếng vá này hút hồn, chỉ một lần tình cờ chú ý đến và thế là không thể nào dứt ra được nữa, cứ như mụ dở người, ra đường là chăm chắm săm soi quan sát những miếng vá đường. Kì lạ, miếng nào miếng nấy cứ phẳng lì, bóng nhẵn và ngay ngắn, xe chạy qua cứ êm ru, không hề xóc lấy một tí. Bao nhiêu sự cẩn trọng, chỉn chu (nếu có gọi là “nắn nót” cũng không ngoa) của những người công nhân sửa đường thể hiện cả ở đó. Chẳng bù cho ở xứ mình, quanh năm các nhà thầu chỉ lo đào đào, bới bới, xới xới, đục đục, sau đó lấp láp sơ sơ, chỗ sùi chỗ sụt, chỗ lồi chỗ lõm, đố có chỗ nào được san lấp cho tử tế. Ổ trâu, ổ gà mọc khắp nơi chẳng ma nào thèm dòm ngỏ, thằng nào chạy xe qua không tránh kịp, sơ xảy nảy lên một phát là nằm lăn quay ra đường, vô phúc có cái xe ô tô nào trườn tới cứ gọi là một phát lao thẳng lên nóc tủ ngắm gà khỏa thân. Những ánh mắt nhìn thương cảm, những cái tặc lưỡi và hai từ “vắn số” đủ kết thúc một kiếp người ở xứ này.

 Vá đường kiểu Tây

 

  Và vá đường kiểu….. Ta

Chẳng cần nói đến những chuyện to tát, vĩ mô làm gì, chỉ những điều tưởng chừng nhỏ nhặt như miếng vá đường cũng nói lên sự khác biệt lớn lao giữa hai thứ “văn hóa”, tạm gọi là “văn hóa trung thực, thẳng ngay” hay “văn hóa chất lượng” và một thứ có thể gọi là “văn hóa dối trá” hay “văn hóa ăn xổi ở thì, qua loa đại khái”. Nhớ ngày còn học bên Đức, có lần cả lũ học trò vớ được cái job lau chùi một tòa nhà mới xây trước khi bàn giao. Cả lũ đứa thì cúi đầu, đứa chổng mông, đứa trèo thang, lau chùi, kì cọ kĩ lưỡng từng centimet đến bóng loáng mới thôi. Cửa kính không một vết bụi, lò sưởi và mặt sàn không còn lấy một chấm sơn rơi rớt, kể cả chấm bé như cái đầu tăm cũng phải lấy dao mà cạo cho sạch. Từ hành lang cho đến sàn nhà đâu đâu cũng bóng loang loáng. Chỉ cần làm dối một chút cũng khó cầm được tiền mà về. Dân Việt ta chắc chắn sẽ xem đó là sự “bóc lột sức lao động” trong xã hội tư bản. Những ai sống trong cái “văn hóa” đấy có làm dối thì tự mình cũng cảm thấy ngượng ngùng, xấu hổ.

Mấy người bạn Đức cứ khăng khăng bảo với mình nếu công nhân nước mày được trả công tử tế họ cũng sẽ làm nên “những miếng vá tuyệt mĩ/hoàn hảo” không thua kém gì ở đây. Mình thì nghĩ khác, không đơn giản như thế, khi sự giả dối đã thành căn bệnh mãn tính, thậm chí như một khối u ác tính ăn sâu, bén rễ vào tiềm thức không chỉ của mỗi cá nhân mà của cả một dân tộc thì các giá trị chỉ còn được đo bằng sức nặng của đồng tiền nằm thọt lỏm trong cái túi sâu hoắm không đáy của lòng tham vô tận. Có lẽ đến nhiều chục năm nữa chưa chắc đã hi vọng có thể vá lại được những vết rách loang lổ trong tâm hồn, nhân cách Việt, cho dù là những miếng vá còn vụng về.

Liệu mình có bi quan quá không nhỉ?

—————–

N. Thị Phương Hoa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *